- Khí báo mạng kích động kỳ thị vùng miền: Phải siết chặt quản lý
Sống chung với kỳ thị
Vài năm trước, tôi vẫn còn nhớ một lần đang vất vả tìm đường ở Sài Gòn, hỏi một người trông xe ven đường rằng phố X ở đâu, thì nhận câu trả lời gây sững sờ: “Không chỉ đường cho thằng Bắc Kỳ”.
Tôi nổi giận, xuống xe và tranh cãi dữ dội với ông ta, thậm chí nếu không có người can và cả hai chỉ cần lời qua tiếng lại thêm, là chuyện này có thể dẫn đến ẩu đả. Tôi về nhà, viết lên Facebook và sau đó vội vã xóa đi (dù chỉ để giới hạn bạn bè), vì nó tạo ra một làn sóng thù ghét ghê gớm quá. Người ta vào chửi ông chú kia không ra gì cả.
Ảnh: L.G.
Nếu tôi tiếp tục “leo thang”, đăng bài viết đó lên một nhóm có sức phủ rộng thì bạn có thể tưởng tượng được sự giận dữ mà nó tạo ra. Từ một cuộc va chạm sau câu nói mang màu sắc kỳ thị, bạn có thể khuấy lên một cuộc chửi bới lẫn nhau có quy mô gấp nhiều lần. Người ta giờ thậm chí có thể xin địa chỉ để “săn lùng” một ai đó hành động lệch chuẩn.
Bạn có thể nghĩ rằng không có cái giá nào phải trả trong những cuộc cãi vã trên mạng, nhưng suy nghĩ kỹ lại, tôi e rằng có. Sự giận dữ của dư luận có thể ngăn một ông chú khác nói thẳng ra ba chữ “thằng Bắc Kỳ” sau này, nhưng tâm lý kỳ thị vẫn ở đó, và thậm chí hằn sâu hơn. Ai đó trong đám đông sẽ củng cố thêm ẩn ức kỳ thị từ việc tham gia vào những cuộc tranh cãi kiểu vậy. Đây không phải một cuộc thảo luận xã hội. Đấy đơn giản là một cuộc ném đá và phe “yếu hơn” sẽ ghi nhớ, rồi mang nó trở lại đời sống, dưới dạng kín đáo hơn.
Không dễ để tẩy được những định kiến. Năm 2008, một cuộc khảo sát công khai quy mô quốc gia cho thấy 4-6% người Mỹ thừa nhận rằng họ không muốn bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên người Mỹ gốc Phi nào làm Tổng thống. Các học giả quốc tế cũng cho rằng kỳ thị, ở bất cứ đâu, không thực sự suy giảm trên thực tế, mà chỉ trở nên gián tiếp và ngấm ngầm hơn. Tại Việt Nam, chúng ta không còn thấy nhiều sự kỳ thị công khai như việc một công ty từ chối tiếp nhận người quê tỉnh X, nhưng sự nghi ngờ kiểu xì xầm “thằng đó quê X đấy” là có, thậm chí diễn ra hàng ngày, trong những cuộc chuyện phiếm.
Năm 2007, trong một bài báo có sức ảnh hưởng được xuất bản trên tạp chí American Psychologist, chuyên gia tâm lý Derald Wing Sue của Đại học Columbia đã định nghĩa sự kỳ thị ngầm trong dòng chảy ứng xử xã hội hàng ngày này là “công kích vi mô” (microaggression): “những lời nói, hành vi hoặc môi trường kỳ thị diễn ra thường nhật, cho dù là cố ý hay vô ý, thể hiện những ý tưởng thù địch, xúc phạm hoặc tiêu cực”.
Sự kỳ thị thể hiện theo những cách tinh vi và gián tiếp mà đến gần đây mới thực sự được thu hẹp trong các nghiên cứu tâm lý xã hội. Global Language Monitor, một công ty chuyên phân tích và theo dõi xu hướng sử dụng ngôn ngữ trên thế giới, thậm chí đã coi microaggression (công kích vi mô) là từ của năm 2015, ghi nhận mức độ phổ biến tăng vọt của nó trong ngôn ngữ hàng ngày. Đến giờ, nếu bạn gõ lên Google từ này, thì bản thân nó và các biến thể sẽ cho về hơn 2 triệu kết quả tìm kiếm.
Từ những nghiên cứu trên, chúng ta có thể cân nhắc khi rơi vào các tình huống bị kỳ thị. Ví dụ như khi tôi bị mắng là “thằng Bắc Kỳ”, đấy có thể là những lời rất nặng nề, nhưng trong một ngữ cảnh nhất định, nó đơn giản là chuyện cá nhân, có thể xảy ra hàng nghìn lần ở mức độ nhỏ hơn, mỗi ngày. Nó không phải chuyện một nhà máy treo biển không tuyển công nhân quê ở X, hay một chính sách nào đó có thể ai đó có gốc gác từ đâu rơi vào thế yếu.
Nó sẽ chỉ trở thành vấn đề nếu sếp tôi nói ra câu đó, kèm theo sự “đì đọt” công sở, chẳng hạn thế. Những vướng mắc riêng giữa từng cá nhân với nhau, nếu không có tính hệ thống và đi vào dòng thời sự chủ lưu, thường đến từ những ẩn ức góp nhặt, mà mỗi lần khuếch trương vấn đề riêng của mình, chúng ta có thể làm trầm trọng thêm sự tổn thương.
Câu chuyện ở đầu bài viết đã khép lại nhanh chóng, sau khi tôi gác lại bực bội và xóa bài đăng đi. Chúng ta chưa thể chấm dứt hoàn toàn sự kỳ thị, vì nó không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ ai. Chúng ta chỉ có thể giảm đi các ẩn ức, bằng cách chỉ nhận diện và lên tiếng, khi nó thực sự đi vào chủ lưu, một cách có hệ thống.
Đấy có lẽ là cách mà chúng ta phải sống chung với nhiều vấn đề: thừa nhận tính thực tế ngầm của nó, nhưng cũng không cho phép nó đi vào trái tim hệ thống của chúng ta, cho đến khi nó biến mất hoàn toàn, từ trong nhận thức. Nếu có ngày hoàn hảo đó.
Phạm An
Một quyền lực vô hình
Định kiến vùng miền tồn tại ở nhiều dạng, chứ không chỉ có mấy câu nói xấu kiểu “miền Tây sống không biết tiết kiệm” hoặc “mấy ông công tử Hà Nội làm gì có chí tiến thủ”. Hãy ví dụ: trong suốt nhiều thập kỷ, chúng ta có một khái quát được thừa nhận đến mức gần như hiển nhiên là “Tây giàu”. Từ quán nước đầu đình cho đến các dịch vụ công cộng của nhà nước đều có chính sách bán giá đắt hơn “cho khách nước ngoài”. Việc này trở thành thông lệ đến mức chẳng ai buồn xem xét và thấy nó xấu xí cả. Đó là định kiến vùng miền. Người Mỹ, người Anh hay người Nhật đã bị phân biệt đối xử trên đất Việt Nam suốt hàng thập niên vì “họ giàu”.
Ảnh: L.G.
Phải đến khi kinh tế phát triển một chút, chúng ta mới nhận ra rằng thực ra cũng nhiều Tây nghèo. Nhiều khách du lịch đến Việt Nam cũng là người lao động, vất vả tiết kiệm cả đời mới dám bay một chuyến Đông Nam Á (vì rẻ). Rồi ta nhận ra rằng giàu hay nghèo gì cũng chẳng liên quan đến việc họ được đối xử ra sao. Bây giờ tất cả các cửa hàng đều có giá niêm yết, in trên thực đơn, và việc ai đó cố tình bán đắt cho khách nước ngoài giờ trở thành thứ đáng chê trách.
Đây không hẳn là một ví dụ về phân biệt vùng miền tại Việt Nam. Nhưng đây là một ví dụ để nhận ra rằng việc phân biệt đối xử rất dễ hình thành. Vì khái quát hóa về một vùng đất là thứ rất dễ xuất hiện trong văn hóa (thậm chí nó thường xuyên trở thành chất liệu của văn học nghệ thuật). Chúng ta không chỉ khái quát về “Tây giàu” và “Ta nghèo”, chúng ta sẽ luôn khái quát “miền Tây” thế này, “miền Trung” thế kia, Hải Phòng là A và Đà Nẵng là B. Và đã là khái quát thì hiển nhiên sai.
Cách đây gần một thập niên, nhiều tờ báo phản ánh về một thực tế: các lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (hay được gọi là “dân vùng 4” theo tên của Quân khu 4) bị kỳ thị ở các KCN khu vực Đông Nam Bộ. Một số doanh nghiệp tại Bình Dương công khai chính sách: không tuyển lao động Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện tượng này sau đó bị lên án mạnh mẽ, và không còn tấm biển nào tuyên bố ngang ngược như vậy nữa; nhưng các điều tra nhập vai của báo giới sau đó thu về các thông điệp ngầm: “Có nhận hồ sơ rồi cũng dễ bị đánh trượt nếu đến từ các tỉnh này”.
Thời đó, có một số ý kiến giải thích qua loa từ phía nhà tuyển dụng, rằng các địa phương này có chủ nghĩa cục bộ cao, hay kéo bè kéo cánh làm… mất đoàn kết trong công ty (?). Đó cũng là một khái quát được nhiều người tin tưởng.Chuyện lắng đi một thời gian sau sự lên án mạnh mẽ từ dư luận. Nhưng đến năm 2020, lại xuất hiện một biển tuyển dụng công nhân điện tử tại Bình Dương với dòng ghi chú: “Không tuyển người thanh hóa, nghệ an, hà tĩnh” (không viết hoa chữ nào). Ví dụ thứ hai này kể cho chúng ta một đặc tính khác của phân biệt vùng miền. Đó là nếu nó đã hình thành thì rất khó xóa bỏ, bởi vì nó là cái giả định nằm trong đầu con người và được truyền khẩu – trở thành một tập quán văn hóa chứ không phải một chính sách xã hội – nên rất khó điều chỉnh.
Trong ví dụ thứ ba, chúng ta sẽ bàn về việc thật ra phân biệt vùng miền có dễ nhận diện không? Nếu nói “Thanh Hóa kiệt xỉ” thì tất nhiên là xấu; nhưng có những kịch bản khiến ta tự hỏi rằng liệu đó có phải chủ nghĩa xô-vanh hay không?
Đó là khi trong chính sách đào tạo và bồi dưỡng nhân tài của nhiều tỉnh thành, có phần ghi chú rất rõ rằng người được nhận bồi dưỡng phải “có hộ khẩu tại địa phương”. Trong các bản báo cáo thành tích, thường xuyên có phần khẳng định rằng chính sách này đã giúp các nhân tài “đóng góp cho quê hương”.
Nếu như các hỗ trợ cho nhân tài đã bao gồm cam kết họ phải làm việc tại địa phương, thì có vấn đề gì với việc đào tạo người sinh ra ở nơi khác, miễn là họ giỏi? Nhân tài đóng góp cho quê cha đất mẹ thì tốt hơn nhân tài đóng góp cho nơi họ gọi là nhà chăng? Điều này nghe hơi vô lý, thậm chí có thể lập luận ngược lại: khi một người chọn một nơi xa nhà để cống hiến, có lý do để tin rằng động lực của họ lớn hơn một người vốn đã có nhà cửa ở đó.
Nói tóm lại, khi bàn về chủ nghĩa phân biệt vùng miền, chúng ta nhận ra 3 đặc tính gây bối rối: nó rất dễ hình thành – nó rất khó xóa bỏ triệt để – và cuối cùng là nó không dễ nhận diện. Nó là một con bạch tuộc vô hình, và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời con người. Hãy tưởng tượng rằng bạn là một lao động miền Trung tha phương, và bơ vơ giữa đất Bình Dương mà không biết vì sao mình không thể tìm được việc làm.
Và để can thiệp vào thứ này; cần tìm cách chặt đi những cái xúc tu gây ảnh hưởng lên xã hội của nó. Đây là lúc vấn đề lộ ra. Bạn có thể ngạc nhiên, khi biết rằng nếu một doanh nghiệp treo biển “Không tuyển lao động X”, họ sẽ không bị phạt. Luật Lao động hiện nay chỉ điều chỉnh các “Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”. Chưa có chữ nào về phân biệt vùng miền.
Nếu Luật được quy định đầy đủ và chặt chẽ, ta sẽ xử phạt và tiêu diệt được phân biệt vùng miền trong tuyển dụng, dù cho cái chính sách tuyển dụng đó chỉ được nói bằng lời; thậm chí ta có quyền xét lại xem trong chính sách bồi dưỡng nhân tài của tỉnh nọ có phần ưu tiên cho người địa phương, thì đó có phải là phân biệt vùng miền không. Ta chỉ chống lại được một vấn đề nếu định nghĩa được nó.
Nhưng đã bàn đến việc xây dựng luật, nó hiển nhiên sẽ là một câu chuyện rất dài. Và đôi khi dài như một ước mơ.
Đức Hoàng
Sự phổ biến đáng sợ
Một đêm nọ, cách đây vài năm, tại nhà của một họa sĩ có tiếng, chúng tôi tụ tập quanh chai rượu, nói chuyện văn nghệ. Rồi một “nhà” ào đến (gọi là một “nhà” vì ông có nhiều danh xưng rất kêu liên quan đến đủ lĩnh vực, từ thi ca, âm nhạc cho tới triết học), hồn nhiên vô cùng. Phải thừa nhận, ông nói chuyện rất hấp dẫn. Tất cả đều hào hứng nghe những gì ông nói như nuốt từng lời.
Sau một bài nói dài của ông, mọi người nâng ly. Tôi khẽ xin phép được sửa một từ ông mới nói ra. Thú thực, tính tôi cũng kiêu, đặc biệt chẳng sợ những “nhà” như kiểu này. Và khi được sự đồng ý, tôi nói: “Từ “phân biệt chủng tộc” mà anh nói thật ra là sai. Phải dùng từ “kỳ thị chủng tộc” mới đúng”. Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Phân biệt không phải là xấu. Thế giới vốn đa dạng, và con người nên biết phân biệt để nhận ra vẻ đẹp đa dạng ấy. Nhưng phân biệt để trân trọng khác biệt chứ không phải để kỳ thị khác biệt”.
Mọi người tán đồng quan điểm của tôi đưa ra. “Nhà” kia cũng tán đồng, dù còn ngập ngừng và băn khoăn biện giải thêm. Nhưng câu chuyện của bàn tiệc hôm ấy rẽ hướng. Chúng tôi nói rất nhiều về thói kỳ thị vùng miền đang tồn tại trong xã hội Việt Nam hôm nay. Thực tế, tôi cũng từng là nạn nhân của kỳ thị vùng miền. Vào Nam lập nghiệp 20 năm, cũng tham gia vài chương trình này kia cho các kênh truyền hình. Cho đến một lần, tôi được nhà sản xuất chương trình của một kênh tâm sự là “Giám đốc đài anh cực thích chú nhưng ông ấy nói không đưa chú lên sóng được vì chú nói giọng Bắc Kỳ”.
Tôi không quá buồn hay hụt hẫng vì “mất cơ hội chạy show”. Tôi cũng chẳng buồn vì bị kỳ thị là “thằng Bắc Kỳ”. Cơ bản, tôi quen rồi. Từng có lần, trong một cuộc trà dư tửu hậu, một người anh rất thân của tôi buột miệng: “Anh không bao giờ thích tuyển Bắc Kỳ vào công ty của mình”. Biết là lỡ lời, sau đó anh ấy có xin lỗi tôi nhiều lần dù tôi nói “em không giận” và quả thực tôi chẳng giận. Tôi trơ rồi.
Cái sự kỳ thị người từ vùng miền khác, địa phương khác khá phổ biến trong xã hội nhưng thực tế, chúng ta đừng vội nghĩ chỉ có vùng miền, địa phương khác mới bị kỳ thị. Chúng ta rất dễ kỳ thị nhau, như thể từ vô thức chúng ta đã đeo mang định kiến kiểu đó rồi. Và chúng ta kỳ thị bằng mọi thứ khác biệt mà chúng ta nhận ra từ người khác. Đơn cử, từng có thời, ở ngay Hà Nội thôi, khi bắt đầu vào trường PTTH, nhiều học sinh đến từ các quận, huyện vùng ven bị đám “trai phố cổ” nhìn như “lũ nhà quê”. Đấy là một dạng kỳ thị tinh vi mà chúng ta nhiều khi lại không nghĩ là kỳ thị.
Một cái kỳ thị phổ biến khác, không xét đến xuất xứ địa lý, chính là kỳ thị nghề nghiệp. “Mấy thằng thi đại học ba môn chín điểm chẳng biết làm nghề gì thì đi làm báo” hay “bọn nhà báo” là một dạng ngôn ngữ kỳ thị nghề nghiệp khốc liệt nhất, và phổ biến nhất trên mạng xã hội hôm nay. Nhìn sâu về lịch sử, nó cũng chả khác gì cái kỳ thị “đám xướng ca vô loài” hay “đồ nhà mõ” ở thời các cụ ngày xưa. Nó gần như một kỳ thị giai tầng khi kẻ kỳ thị cố xác lập cho mình một vị thế ở trên kẻ bị kỳ thị.
Và sự kỳ thị trong xã hội Việt lại càng được tiếp xúc bởi xu hướng đám đông. Ví dụ để kể ra thì nhiều, nhưng điển hình nhất là câu chuyện liên quan đến văn nghệ gần đây. Một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng tâm sự với tôi rằng: “Anh rất thích làm phim chân thực về giọng nói. Nhân vật gốc Bắc phải nói giọng Bắc, nhân vật gốc Nam phải nói giọng Nam, nhân vật gốc Trung phải nói giọng Trung. Nhưng khó lắm em ạ. Phim mà như thế, phát hành họ từ chối. Họ nói khán giả miền Nam nhiều, họ thích nghe giọng Nam”. Đó có phải là kỳ thị không?
Một câu chuyện khác, gần đây, một công văn đề nghị hỗ trợ nghệ sỹ khó khăn được đưa ra. Thế là rất nhiều ý kiến cho rằng “nghệ sỹ giàu như thế, không lo hỗ trợ chống dịch thì thôi, còn đi xin”. Họ đều không hiểu thực tế là số lượng nghệ sỹ giàu rất hiếm. Họ chỉ nhìn vào những ca sỹ, diễn viên điện ảnh mà quên mất rằng một nghệ sỹ rối nước, xiếc cũng là nghệ sỹ. Có những người đã phải đi chạy xe ôm công nghệ khi dịch COVID-19 không cho họ điều kiện đi diễn nữa. Định kiến rằng nghệ sỹ giàu đã sinh ra một thứ kỳ thị dễ dãi đối với nghệ sỹ mà số đông là những người eo hẹp vô cùng.
Chúng ta đã trải qua rất nhiều kiểu kỳ thị kỳ lạ trong xã hội này. Như có thời, người ta kỳ thị bằng cấp, kỳ thị trường dân lập với quan điểm “bọn học dân lập toàn bọn học dốt, trượt đại học công lập mới vào dân lập”. Tôi vẫn không thể quên, bạn tôi, học đại học Mở, từng thảng thốt khi trong một trận bóng đá thuộc giải sinh viên Hà Nội, khán đài có một biểu ngữ miệt thị các bạn học trường Mở là “Ngủ mơ” (nói lái).
Tôi quen một lãnh đạo của một đoàn ca múa nhạc ở một địa phương vùng cao. Trong đoàn, có cả người Kinh lẫn người dân tộc thiểu số. Và ngay trong đoàn, họ cũng đùa giỡn vô thức gọi người Kinh là “xanh nhạt” và người thiểu số là “xanh đậm”. Cái đùa của họ tưởng dễ bỏ qua, nhưng hoá ra, với mấy anh em người thiểu số, họ coi đó là một nỗi đau mà họ không thể nói ra.
Và kỳ thị phổ biến ở ta lại không đến từ định kiến của “văn hoá thấp” mà ngay cả giới trí thức cũng vô tình lậm vào nó khá nhiều. Những người được du học nước ngoài nhìn những đồng nghiệp học trong nước đầy kỳ thị, với quan niệm “bọn ếch ngồi đáy giếng”. Ngược lại, những người trong nước lại kỳ thị “đám nước ngoài về” là “lũ vong bản”. Kỳ thị này dễ bật lên trong các tranh luận về các vấn đề xã hội và ở thời mạng xã hội là công cụ hữu hiệu để biểu đạt này, nó xuất hiện phổ biến hơn rất nhiều.
Sự kỳ thị đến từ đâu? Có thể từ chính việc xã hội chưa tồn tại một hệ giá trị chung để người ta có thể dựa vào đó mà đánh giá mọi khác biệt một cách logic và bình tĩnh hơn. Cũng có thể nó xuất xứ từ chính các thất vọng, thất bại cá nhân và họ có nhu cầu công kích một ai đó, một nhóm nào đó cụ thể. Họ tìm chỗ dựa ở các đám đông, coi đám đông ấy là ưu việt hơn phần khác biệt còn lại, để từ đó kỳ thị bắt đầu.
Xã hội luôn tồn tại mâu thuẫn. Điều đó ai cũng biết. Và xã hội Việt Nam thực tế còn may mắn khi sự kỳ thị sắc tộc, chủng tộc, màu da không phổ cập bởi sự đồng nhất chủng tộc. Chúng ta không gặp các vấn đề nan giải như các nước phương Tây về thứ kỳ thị này nhưng thực tình, các kỳ thị khác như kỳ thị địa phương, nghề nghiệp, giai tầng… cũng cản trở phát triển và tiến bộ nhiều.
Đôi khi, chúng ta ngỡ chỉ là câu nói đùa, không chết ai cả, như cái cách chúng ta vẫn nghe “người nước Huệ” (ám chỉ người Huế), “người nước ngoài kia” (ám chỉ người Bắc) nhưng thực chất, nó tạo ra các đường biên rất nguy hại cho cộng tác, cho làm việc nhóm, cho xây dựng tập thể, những yếu tố vô cùng quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu… hôm nay.
Hà Quang Minh
Originally posted 2021-09-28 23:34:14.
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Các phần mềm nhắc việc trên máy tính bằng tiếng việt
- Camera Hành Trình Xiaomi Yi Car 2K Chính Hãng
- Cách thay đổi ngôn ngữ trong Windows 8/8.1
- MUA ADOBE FULL APP BẢN QUYỀN #TẶNG #KÈM 1 năm sử dụng CANVA PRO miễn phí tha hồ thiết kế lun
- Bán Tài Khoản Film+ Chuẩn Giá 200k/năm